Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Không bền vững

Trong những năm gần đây, rất nhiều chính sách có đưa từ bền vững vào như một cách thức, một tiêu chí phát triển. Nhưng thực tế thì không phải vậy.


Đất đai là nguồn vốn phát triển bền vững nhất của người nông dân


Như những vụ cưỡng chế đất gần đây chẳng hạn, với hơn xấp xỉ 80% dân số là nông dân, muốn phát triển bền vững thì phải làm cho đời sống của họ tốt hơn, từ đó họ có cơ sở vững chắc để cho con em học hành tử tế và sẽ chuyển hướng không làm nông nghiệp nữa. Vì theo quy luật xã hội và bản chất tự nhiên, đa số đều chẳng muốn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ai cũng muốn mình giàu hơn, am hiểu hơn, được mọi người kính trọng hơn. Những ngành nghề công nghiệp, dịch vụ sẽ mang lại cho người nông dân điều đó. Như vậy, muốn người nông dân phát triển và chuyển ngành một cách bền vững thì phải giao đất nhiều hơn, lâu hơn, nguồn vốn phong phú hơn, đào tạo kỹ thuật nông nghiệp tốt hơn. Đó mới là cách thức đúng đắn.


Vậy ép buộc người nông dân ra khỏi ngành nghề của họ bằng phương pháp "dùi cui học" có giúp họ phát triển bền vững không? Chắc chắn không. Vì người nông dân khi chuyển ngành nghề với số vốn vật lý (gồm nhà cửa, phương tiện, tiền bạc...) và vốn xã hội (kinh nghiệm thế hệ, mối quan hệ, kỹ thuật lao động,...) ít ỏi, thì họ ít có khả năng phát triển bền vững trong ngành nghề mới.


Thế nên, dù cần đất, cần nhân lực để phát triển công nghiệp, dịch vụ thì cũng không được nóng vội và thực hiện cưỡng ép mà phải có những quyết sách chắc chắn. Sự nóng vội sẽ không giúp ích gì cho sự bền vững.